Thất tịch là gì? Ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch

thất tịch là gì

Với nhiều người ngày Thất Tịch còn khá xa lạ, nhưng trong văn hóa phương Đông thì ngày lễ này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và vô cùng cảm động. Vì thế trong bài viết nãy hãy cùng tìm hiểu xem Thất Tịch là gì và nó có ý nghĩa như thế nào nhé! 

Lễ Thất Tịch là gì?

Thất Tịch hay còn được gọi là lễ tình nhân của phương Đông. Thất Tịch rơi vào mùng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm và gắn liền với sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ.

Xem Còn bao nhiêu ngày nữa Tết Nguyên Đán 2021?

Nguồn gốc ngày Thất Tịch

Ngày Thất Tịch được gắn liền với sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ.

Chuyện kể rằng có một anh chăn trâu tên là Ngưu Lang có hoàn cảnh nghèo khó lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lúc chăn trâu trên đồi anh phát hiện có 7 nàng tiên đang nô đùa ở một hồ nước gần đó, trong số đó anh phải lòng cô tiên nữ trẻ nhất. Chú trâu của anh biết được bèn bày cho anh kế cướp xiêm y của cô tiên nữ đó, để cô phải ở chốn trần gian cùng với anh chàng. Cô gái đó chính là Chức Nữ – là con gái út của Ngọc Hoàng.

thất tịch là gì
Thất Tịch là ngày gì?

Khi tới giờ phải bay về trời, các chị cô đành bay về trời hết chỉ còn lại cô em vẫn loay hoay tìm đồ. Ngưu Lang lúc này thấy mủi lòng nên đem bộ xiêm y trả lại cho cô và thú nhận tất cả, đồng thời chàng cũng thổ lộ tấm chân tình của mình và mong muốn lấy nàng làm vợ. Thấy Ngưu Lang là người thật thà nên Chức Nữ đồng ý, từ đó hai người sống vui vẻ bên nhau.

Nhưng sau khi Ngọc Hoàng phát hiện đứa con gái út bị mất tích thì đã sai binh lính xuống trần đưa con về trời. Chàng Ngưu Lang lúc này vì nhớ thương vợ nên đã mang theo hai con đuổi theo. Nhưng Vương Mẫu biết được nên đã vạch ra ranh giới giữa 2 cõi, đó chính là sông Ngân Hà. Nhưng Ngưu Lang vẫn nhất định không từ bỏ và quyết định ở đó chờ Chức Nữ quay về.

Cảm động trước tấm chân tình của cả hai, Vương Mẫu đã cho phép Ngưu Lang, Chức Nữ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ tạo nên.

Ý nghĩa ngày Thất Tịch trong văn hóa phương Đông

Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc

Ngày Thất Tịch và câu chuyện về Ngưu Lang – Chức Nữ được bắt nguồn từ Trung Quốc. Đến ngày nay nó vẫn luôn là một ngày lễ quan trọng của người dân Trung Quốc.

Ngày xưa, các cô gái chưa chồng đều cầu nguyện cho nàng Chức Nữ với hy vọng mình sẽ có được đôi tay khéo léo trong các công việc nữ công gia chánh, đặc biệt là việc thêu thùa dệt vải. Ở một số vùng khác thì người con gái lại cầu nguyện Chức Nữ để sau này lấy được một người chồng tốt,…

Ngoài ra, vào ngày này các cô gái trẻ còn đặt một cây kim lên mặt nước với hy vọng nó không chìm. Bởi cây kim là biểu tượng cho sự thông minh, trưởng thành và khéo léo.

Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc
Các cô gái thường đặt cây kim lên mặt nước sao cho nó không chìm

Một số nơi khác ở Trung Quốc thì 7 người bạn sẽ cùng nhau làm bánh bột nhào. Trong những chiếc bánh, họ sẽ giấu 1 cây kim, 1 tờ giấy đỏ và 1 đồng xu. Khi ăn người nào có cây kim sẽ trở nên khéo léo, người nào có tờ giấy đỏ sẽ có một tình yêu đẹp và một cuộc hôn nhân hạnh phúc, người có đồng xu sẽ giàu có.

Ngày Thất Tịch cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều câu chuyện ngôn tình ở Trung Quốc, trong đó phải kể đến tác phẩm Thất tịch không mưa của tác giả Lâu Vũ Tình.

Ngày Thất Tịch ở Hàn Quốc

Thất Tịch ở Hàn Quốc còn được gọi là lễ Chilseok, ý nghĩa của ngày lễ này ở đây cũng khá khác biệt so với Trung Quốc. Lễ Chilseok của người Hàn thường là vào mùa mưa, sau khoảng thời gian nắng nóng khắc nghiệt đi qua. Vào ngày này, nước mưa được người dân Hàn Quốc gọi là nước Chilseok, họ sẽ cùng nhau tắm dưới nước mưa này để cầu mong có một sức khỏe tốt.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm các loại nông sản phát triển rất mạnh, vì thế dưa hấu, dưa chuột hoặc bí ngô được sử dụng rất nhiều.

Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc
Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc được tổ chức rất to

Đặc biệt, trong ngày lễ này người Hàn còn hay ăn bánh nướng và bánh mì. Chilseok cũng là lễ hội để mọi người thưởng thức các món ăn ngon được làm từ lúa mì. Bởi người Hàn cho rằng khi lễ Chilseok qua thì những cơn gió lạnh ập tới sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì.

Ngày Thất Tịch ở Việt Nam

Ngày Thất Tịch tại Việt Nam còn được dân gian gọi là ngày ông Ngâu – bà Ngâu, đây là cách gọi Ngưu Lang và Chức Nữ trong văn hóa của người Việt. Trong ngày này trời thường mưa rả rích và được gọi là mưa ngâu. Tương truyền đó cũng là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi họ được gặp nhau.

Trong văn hóa Việt, ngày Thất Tịch bắt nguồn từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072). Theo ghi chép lịch sử, khi nhà vua đã 42 tuổi nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi vị. Vì thế đã vào một ngôi chùa để cầu tự đúng ngày 7 tháng 7 âm lịch, nhờ đó sinh ra được Thái tử Càn Đức.

Vì vậy, vào ngày này hàng năm, chùa Hà đều tổ chức lễ hội và dần dần trở thành lễ hội cầu tình duyên, con đàn cháu đống, gia đình hạnh phúc.

Người ta cũng tin rằng, trong ngày Thất Tịch nếu như hai người yêu nhau cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ thì họ sẽ mãi mãi bên nhau.

ngày thất tịch ăn chè đậu đỏ
Giới trẻ truyền tai nhau ăn đậu đỏ vào ngày Thất Tịch sẽ có người yêu

Những năm gần đây, giới trẻ Việt còn truyền tai nhau rằng ăn chè đậu đỏ vào ngày này sẽ giúp cầu nhân duyên. Những cặp đôi yêu nhau sẽ càng thêm bền lâu còn những người đang lẻ bóng sẽ sớm gặp được ý trung nhân.

Mặc dù không phải ai cũng tin vào câu chuyện này nhưng nhiều người vẫn hứng khởi hô hào ăn chè đậu đỏ như một trào lưu mới, giúp cuộc sống thêm màu sắc.

Mong rằng các thông tin bên trên đã giúp bạn hiểu rõ ngày Thất Tịch là gì và ý nghĩa của ngày lễ thất tịch. Nếu đang cô đơn, lẻ bóng thì ngày Thất Tịch của năm sau hãy ăn thử chè đậu đỏ xem sao nhé :D. Biết đâu bạn lại được Ngưu Lang – Chức Nữ se duyên thì sao.

One Comment on “Thất tịch là gì? Ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *