Bánh xe màu sắc là gì? Màu sắc và phương pháp sử dụng

bánh xe màu sắc colour wheel

Bánh xe màu sắc là nền tảng cơ bản trong thiết kế nội thất, phối quần áo, trang trí nhà cửa cũng như màu sắc trong hội họa, chế bản,… Nếu như bỏ qua điều này thì giống như việc bạn làm nhà mà bỏ qua phần nền móng vậy. Để hiểu rõ hơn về vòng tròn màu sắc hãy theo dõi bài viết dưới đây của muasieunhanh.com nhé!

Bánh xe màu sắc là gì?

Bánh xe màu sắc có tên tiếng Anh là colour wheel hoặc là color circle. Đây là một bảng màu được thiết kế dựa vào cấu trúc màu cầu vồng.

Nguyên tắc này được ngài Isaac Newton chỉ ra trong năm 1666. Sự phát hiện ra bánh xe màu sắc của Isaac Newton cũng rất tình cờ. Trong lúc ông đang nghiên cứu ánh sáng chiếu rọi qua bình thủy tinh thì đã phát hiện ra ánh sáng không đơn thuần chỉ có một màu trắng, mà nó gồm tổ hợp của rất nhiều màu. Bảng màu này sau đó được ông đưa gọn vào một bánh xe màu, nó mô phỏng sự kết hợp của ánh sáng.

bánh xe màu sắc colour wheel
Bánh xe màu sắc colour wheel

Hiện, có hai loại bánh xe màu:

Bánh xe màu RYB (Red – Yellow – Blue, có nghĩa Đỏ – Vàng – Xanh lam): 3 màu này thường được các nghệ sĩ sử dụng nhiều ở trong lĩnh vực hội họa.

Bánh xe màu RGB (Red – Green – Blue, có nghĩa Đỏ – Xanh lục – Xanh lam): 3 màu này được ứng dụng nhiều nhất trong việc hiển thị màu sắc ở các ống tia âm cực, màn hình plasma, màn hình tinh thể lỏng như màn hình máy tính hoặc tivi.

Cấu tạo của bánh xe màu sắc

Có 12 màu chính trên bánh xe màu sắc và được chia làm ba cấp độ: Màu chính (màu bậc một), màu bậc hai và màu bậc ba. Các màu chính không thể tạo ra bằng cách pha trộn các màu khác lại với nhau. Màu bậc hai là kết quả của việc pha trộn hai màu chính. Còn màu bậc 3 có được là nhờ trộn dải màu bậc 2.

Màu cơ bản (màu chính – bậc 1)

– Bánh xe màu RYB có 3 màu cơ bản đó là đỏ, vàng và xanh lam.

Đỏ (Red) Vàng (Yellow) Xanh lam (Blue)

Theo như lý thuyết màu sắc, nếu như bạn pha trộn ba màu cơ bản với nhau theo các tỉ lệ khác nhau thì sẽ tạo ra tất cả các màu còn lại. Còn nếu như trộn đều chúng với cùng tỉ lệ thì sẽ cho ra màu đen.

– Bánh xe màu RGB thì ba màu chính gồm có đỏ, xanh lá và xanh lam.

Đỏ (Red) Xanh lá (Green) Xanh lam (Blue)

Theo lý thuyết màu sắc, nếu như ta pha trộn ba màu cơ bản này với nhau theo các tỉ lệ khác nhau thì tạo ra được tất cả các màu còn lại. Còn nếu như ta trộn đều chúng với cùng một tỉ lệ thì sẽ cho ra màu trắng (ánh sáng).

Màu bậc hai

Màu bậc hai chính là kết quả của việc ta trộn hai màu cơ bản với nhau.

– Bánh xe màu RYB có ba màu bậc hai đó là tím, cam và xanh lá.

Đỏ (Red) + Vàng (Yellow) = Cam (Orange)
Vàng (Yellow) + Xanh lam (Blue) = Xanh lá (Green)
Xanh lam (Blue) + Đỏ (Red) = Tím (Purple)

– Bánh xe màu RGB cũng có ba màu bậc hai gồm có xanh lơ, hồng sẫm và vàng.

Đỏ (Red) + Xanh lá (Green) = Vàng (Yellow)
Xanh lá (Green) + Xanh lam (Blue) = Xanh lơ (Cyan)
Xanh lam (Blue) + Đỏ (Red) = Hồng sẫm (Magenta)

Màu bậc ba

Màu bậc ba là màu được tạo ra bằng cách kết hợp các màu cơ bản với màu bậc hai.

– Bánh xe màu RYB có sáu màu bậc ba bao gồm: Đỏ cam, vàng cam, xanh nõn chuối, xanh lơ, xanh tím và đỏ tím.

Đỏ (Red) + Cam (Orange) = Đỏ cam (Vermillion)
Cam (Orange) + Vàng (Yellow) = Vàng cam (Amber)
Vàng (Yellow) + Xanh lá (Green) = Xanh nõn chuối (Chartreuse)
Xanh lá (Green) + Xanh lam (Blue) = Xanh lơ (Teal)
Xanh lam (Blue) + Tím (Purple) = Xanh tím
Tím (Purple) + Đỏ (Red) = Đỏ tím (Magenta)

– Bánh xe màu RGB có sáu màu bậc ba bao gồm: Cam, xanh nõn chuối, xanh lá, xanh da trời, tím violet, hồng rose.

Đỏ (Red) + Vàng (Yellow) = Cam (Orange)
Vàng (Yellow) + Xanh lá (Green) = Xanh nõn chuối (Chartreuse)
Xanh lá (Green) + Xanh lơ (Cyan) = Xanh lá (Spring green)
Xanh lơ (Cyan) + Xanh lam (Blue) = Xanh da trời (Azure)
Xanh lam (Blue) + Hồng sẫm (Magenta) = Tím Violet (Violet)
Hồng sẫm (Magenta) + Đỏ (Red) = Hồng Rose (Rose)

Phương pháp sử dụng vòng tròn màu sắc

Nguyên tắc phối màu đơn sắc

Đây là nguyên tắc phối màu đơn giản nhất nhưng lại đem lại kết quả tốt nhất. Việc phối màu đơn sắc luôn thể hiện sự chuyên nghiệp, đẹp mắt lại không gây ra sự nhàm chán. Đặc biệt nó cũng không làm giảm mất sự tập trung khỏi những nội dung truyền tải quan trọng.

Phối màu đơn sắc

Vì những lý do này, cách phối màu đơn sắc rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong việc thiết kế logo. Nó là cách kết hợp 1 màu gốc với các sắc màu đậm nhạt khác nhau và tạo thành 1 dải màu monochromatic chuyên nghiệp.

Nguyên tắc phối màu tương đồng

Phối màu tương đồng đó là sự kết hợp của 3 màu liền kề nhau ở trên bảng màu sắc, nó cũng phối hợp rất tốt với những màu kế bên trên vòng tròn màu. Vì thế tạo nên những phối màu rất nhã nhặn và thu hút.

Phối màu tương đồng

Phối màu tương đồng sẽ đa dạng về màu sắc hơn so với việc phối màu đơn sắc. Do vậy khi sử dụng nguyên tắc phối màu này bạn có thể phân biệt các nội dung khác nhau trên website dễ dàng hơn. Tuy có sự pha trộn của nhiều màu sắc với nhau, nhưng do các màu này đứng gần nhau ở vòng tròn màu, nên nhìn sẽ không bị nhức mắt và rối rắm mà lại rất êm dịu và vừa mắt.

Thường thì khi sử dụng cách phối màu này thì nhà thiết kế sẽ tìm ra một màu chủ đạo trước. Màu này sẽ được sử dụng nhiều nhất và các màu khác sẽ phải tương tác tốt với màu này. Tiếp theo, nhà thiết kế sẽ chọn màu thứ 2 để phân biệt các nội dung quan trọng trên website hoặc các typeface. Màu thứ 3 sẽ thường được dùng cho những chi tiết không quá quan trọng.

Nguyên tắc phối màu bổ túc trực tiếp

Với cách phối màu này bạn sẽ sử dụng hai màu bất kỳ đối xứng nhau trên bánh xe màu sắc. Với cặp màu sắc đối xứng bạn có thể dễ dàng tạo điểm nhấn cho các chi tiết quan trọng. Đặc biệt việc phối màu này sẽ tạo nên những màu năng động và tràn đầy năng lượng.

Phối màu bổ túc trực tiếp

Với cách này bạn có thể dễ dàng tạo được điểm nhấn trên website của mình. Chính vì thế bảng màu đối lập này không phù hợp nếu như website của bạn mang phong cách nhẹ nhàng, thư giãn.

Cũng tương tự như cách phối màu tương đồng, khi phối màu theo cách này nhà thiết kế sẽ chọn ra 1 màu chủ đạo rồi mới tìm màu đối xứng với nó làm phụ. Một lưu ý nhỏ là khi sử dụng nguyên tắc này bạn không nên sử dụng các màu nhạt, bởi chúng sẽ làm mất đi tính tương phản giữa các cặp màu với nhau, trong khi đây vốn là điểm mạnh của phối màu này.

Nguyên tắc phối màu bổ sung xen kẽ

Nếu như bạn muốn website của mình thu hút và gây ấn tượng mạnh mắt đến người dùng ngay từ giây phút đầu tiên thì cách phối màu bổ túc xen kẽ này sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo.

Phối bổ túc xen kẽ

Cách phối màu này được tạo thành bởi ba màu nằm ở ba góc khác nhau trên vòng tròn màu và nó tạo nên một hình tam giác cân. Đôi lúc, bạn còn có thể sử dụng thêm một màu thứ tư; tuy nhiên màu này sẽ phải đối xứng với một trong hai màu tạo nên đáy của hình tam giác cân.

Vì sự linh hoạt trong việc chọn màu mà cách phối màu này thường mở ra cho các nhà thiết kế các cơ hội khám phá và tìm ra các cặp màu lạ và độc đáo.

Nguyên tắc phối màu bổ túc bộ ba

Thay vì cách phối màu theo kiểu tam giác cân như bổ túc xen kẽ, thì cách phối màu bổ túc bộ ba chỉ khác đó là ta lấy 3 màu trong vòng tròn bánh xe màu sắc và sau đó tạo nên tam giác đều.

Phối màu bổ túc bộ ba
Phối màu bổ túc bộ ba

Phối màu bổ túc bộ ba là cách phối màu an toàn nhất. Bởi nó được hình thành với ba màu nằm ở ba góc khác nhau của vòng tròn màu sắc và tạo nên một hình tam giác đều.

Do ba màu nằm ở ba góc khác nhau nên khi chúng kết hợp và bổ sung với nhau sẽ tạo nên được một sự cân bằng. Tuy nhiên, cũng bởi sự cân bằng này mà đôi khi bạn sẽ thấy cách phối màu này đơn điệu và thiếu sáng tạo.

Nguyên tắc phối màu bổ túc bộ bốn

Đây là nguyên tắc phối màu phức tạp nhất trong số 6 nguyên tắc trên. Nhưng nếu như bạn bỏ thời gian và công sức để nắm thật kỹ phương pháp này thì bạn sẽ được một cái nhìn khác về việc phối màu và cho ra được những sản phẩm rất riêng, nổi bật và ấn tượng.

Phối màu bổ túc bộ 4
Phối màu bổ túc bộ 4

Cách phối màu này được hình thành từ hai cặp màu bổ túc trực tiếp. Sự đối nghịch cũng như việc bổ sung giữa cho nhau chính là điểm mạnh và khác biệt  của cách phối màu này.

Các cặp màu trong nguyên tắc phối màu này thoạt nhìn thì rất khó để phối hợp và sử dụng đúng cách. Chính vì thế bạn sẽ mất nhiều thời gian cho việc chọn lọc và lên màu. Mẹo để chọn màu tốt nhất đó là bạn cần cân bằng thật tốt giữa hai gam màu nóng đó là đỏ, cam hay vàng và lạnh đó là màu xanh, tím.

Một số khái niệm bổ xung về màu sắc

Màu tương phản hay cặp màu tương phản chính là các màu đối kháng nhau. Khi chúng đứng cạnh nhau thì cùng làm nhau nổi bật. Ở vòng tròn màu thì màu tương phản chính là các màu đối xứng qua tâm vòng tròn.

Bảng màu tương phản
Bảng màu tương phản

Màu trung tính: Là các màu không thuộc gam màu nóng, gam màu lạnh, chính là màu xám.

Màu tương đồng: Một nhóm màu khi đứng cạnh nhau trong vòng tròn màu chúng trông khá giống nhau thì gọi là màu tương đồng.

Màu chủ đạo: Đây là màu chiếm diện tích nhiều nhất trong toàn bộ không gian và chi phối toàn bộ hoà sắc của không gian. Màu chủ đạo sẽ tùy thuộc vào đề tài, thời gian, không gian, vị trí sử dụng, ý đồ, tình cảm, tâm sinh lý người sử dụng.

Màu độc sắc: Đây là tên gọi của không gian chỉ sử dụng một màu pha với trắng hoặc đen tạo lên sự liên kết các sắc độ một cách tinh tế.

Hy vọng rằng với những thông tin bên trên đã giúp bạn hiểu rõ về bánh xe màu sắc, vòng tròn màu sắc và có thể phối hợp các màu sắc với nhau một cách hài hòa, phù hợp nhất.

3 Comments on “Bánh xe màu sắc là gì? Màu sắc và phương pháp sử dụng”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *